\(\S3\) HAI MẶT PHẲNG VUÔNG GÓC

Bài tập sách Chân trời sáng tạo

Bài tập 1

Cho hình chóp \(S . ABC\) có đáy là tam giác vuông tại \(C\), mặt bên \(SAC\) là tam giác đều và nằm trong mặt phẳng vuông góc với \((ABC)\).

\(\bullet\,\) Chứng minh rằng \((SBC)\perp(SAC)\).

\(\bullet\,\) Gọi \(I\) là trung điểm của \(SC\). Chứng minh rằng \((ABI)\perp(SBC)\).

\(\bullet\,\) Gọi \(H\) là trung điểm \(AC\). Suy ra \(SH\perp AC\) (\(\triangle SAC \) đều).

Vì \((SAC)\perp (ABC)\) nên \(SH\perp (ABC)\) suy ra \(BC\perp SH\). (1)

Mà \(BC\perp AC\). (2)

Từ (1), (2) suy ra \(BC\perp (SAC)\) mà \(BC\subset (SBC)\) nên \((SBC)\perp (SAC)\).

\(\bullet\,\) \(\triangle SAC \) đều suy ra \(AI\perp SC\). (3)

Ta có \(BC\perp (SAC)\) suy ra \(BC\perp AI\). (4)

Từ (3), (4) suy ra \(AI\perp (SBC)\) mà \(AI\subset (ABI)\) \\nên \((ABI)\perp(SBC)\).

Bài tập 2

Cho tam giác đều \(ABC\) cạnh \(a, I\) là trung điểm của \(BC, D\) là điểm đối xứng với \(A\) qua \(I\). Vẽ đoạn thẳng \(SD\) có độ dài bằng \(\displaystyle\frac{a\sqrt{6}}{2}\) và vuông góc với \((ABC)\). Chứng minh rằng

\(\bullet\,\) \((SBC)\perp(SAD)\)

\(\bullet\,\) \((SAB)\perp(SAC)\).

\(\bullet\,\) Ta có \(SD\perp (ABC)\) suy ra \(SD\perp AD\). (1)

Vì \(\triangle ABC\) đều cạnh \(a\) và \(D\) đối xứng với \(I\) qua \(A\) nên \(ABCD\) là hình thoi.

Suy ra \(AD\perp BC\). (2)

Từ (1), (2) suy ra \(AD\perp (SBC)\) mà \(AD\subset (SAD)\) nên \((SBC)\perp (SAD)\).

\(\bullet\,\) Kẻ \(BK\perp SA\).

Ta có \(\triangle SBA=\triangle SCA\) (c.c.c)

\(\Rightarrow \begin{cases}BK=CK\\CK\perp SA.\end{cases}\)

Mà \(AD=2AI=\sqrt{3}a\Rightarrow SA=\displaystyle\frac{3\sqrt{2}}{2}a\).

\(BD=a\Rightarrow SB=\displaystyle\frac{\sqrt{10}}{2}a\).

Suy ra \(S_{\triangle SAB}=\sqrt{p(p-SB)(p-BA)(p-SA)}=\displaystyle\frac{3}{4}a^2\).

Mặt khác, ta có \(BK=\displaystyle\frac{2S_{\triangle SAB}}{SA}=\displaystyle\frac{\sqrt{2}}{2}a\).

\(\Rightarrow BK=CK=\displaystyle\frac{\sqrt{2}}{2}a\).

Mà \(BK^2+CK^2=BC^2\Rightarrow BK\perp CK\).

Suy ra \((SAB)\perp (SAC)\).

Bài tập 3

Cho hình lăng trụ đứng \(ABCD\cdot A'B'C'D'\) có đáy \(ABCD\) là hình thang vuông tại \(A\) và \(B\), \(AA'=2a, AD=2a, AB=BC=a\).

\(\bullet\,\) Tính độ dài đoạn thẳng \(AC'\).

\(\bullet\,\) Tính tổng diện tích các mặt của hình lăng trụ.

\(\bullet\,\) Tam giác \(ABC\) vuông tại \(B\) có \(AC=\sqrt{AB^2+AC^2}=a\sqrt{2}\).

Tam giác \(ACC'\) vuông tại \(C\) có \(AC'=\sqrt{AC^2+CC'^2}=\sqrt{(a\sqrt{2})^2 +(2a)^2}=a\sqrt{6}.\)

\(\bullet\,\) Gọi \(I\) là trung điểm \(AD\), suy ra \(ABCI\) là hình vuông nên \(\triangle CID\) vuông tại \(I\).

Ta có \(CD=\sqrt{IC^2+ID^2}=a\sqrt{2}.\)

Diện tích \(S_{ABB'A'}=2a\cdot a=2a^2\).

Diện tích \(S_{ABCD}=S_{A'B'C'D'}=\displaystyle\frac{(2a+a)\cdot a}{2}=\displaystyle\frac{3}{2}a^2\).

Diện tích \(S_{BCC'B'}=2a\cdot a=2a^2\).

Diện tích \(S_{ADD'A'}=2a\cdot 2a=4a^2\).

Diện tích \(S_{CDD'C'}=2a\cdot a\sqrt{2}=2a^2\sqrt{2}\).

Vậy tổng diện tích các mặt của hình lăng trụ bằng \(2a^2+3a^2+2a^2+4a^2+2a^2\sqrt{2}=(11+2\sqrt{2})a^2.\)

Bài tập 4

Cho hình hộp đứng \(A B C D \cdot A^{\prime} B^{\prime} C^{\prime} D^{\prime}\) có đáy là hình thoi. Cho biết \(A B=B D=a, A^{\prime} C=2 a\).

\(\bullet\,\) Tính độ dài \(AA'\).

\(\bullet\,\) Tính tổng diện tích các mặt của hình hộp.

\(\bullet\,\) Ta có \(\begin{cases}AB=AD\\ AB=BD\end{cases}\Rightarrow AB=AD=BD\). Suy ra \(\triangle ABD\) đều.

Gọi \(O\) là trung điểm \(BD\), thì

\(AO=\displaystyle\frac{AB\sqrt{3}}{2}=\displaystyle\frac{a\sqrt{3}}{2}\Rightarrow AC=2AO=a\sqrt{3}\).

Do \(ABCD.A'B'C'D'\) là hình hộp đứng nên \(AA'\perp AC\).

\(\triangle AA'C\) vuông tại \(A\), suy ra \(AA'=\sqrt{A'C^2-AC^2}=\sqrt{4a^2-3a^2}=a\).

\(\bullet\,\) Ta có \(S_{ABCD}=\displaystyle\frac{1}{2}BD\cdot AC\) \(=\displaystyle\frac{1}{2}\cdot a\cdot a\sqrt{3}=\displaystyle\frac{a^2\sqrt{3}}{2}\).

Vì \(ABCD.A'B'C'D'\) là hình hộp đứng nên các mặt bên của nó là hình chữ nhật. Hơn nữa, ta có cạnh của các hình chữ nhật này đều bằng \(a\), nên các mặt bên của hình hộp là bốn hình vuông cạnh \(a\).

Như vậy, tổng diện tích các mặt của hình hộp là

\(T=4S_{ABB'A'}+2S_{ABCD}=4a^2+2\cdot \displaystyle\frac{a^2\sqrt{3}}{2}\) \(=\left(4+\sqrt{3}\right)a^2.\)

Bài tập 5

Cho hình chóp cụt tứ giác đều có cạnh đáy lớn bằng \(2 a\), cạnh đáy nhỏ và đường nối tâm hai đáy bằng \(a\). Tính độ dài cạnh bên và đường cao của mỗi mặt bên.

Kí hiệu các đỉnh của hình chóp cụt và tâm của hai đáy như hình vẽ bên.

Trong hình thang vuông \(O'OCC'\), vẽ đường cao \(C'H\) \((H\in OC)\).

Do \(C'H\parallel OO'\) nên \(C'H\perp (ABCD)\).

Ta có \(O'C'=\displaystyle\frac{A'C'}{2}=\displaystyle\frac{a\sqrt{2}}{2}\); \(OC=\displaystyle\frac{AC}{2}=\displaystyle\frac{2a\sqrt{2}}{2}=a\sqrt{2}\).

Suy ra \(HC=OC-O'C'=\displaystyle\frac{a\sqrt{2}}{2}\).

Trong tam giác \(C'HC\) vuông tại \(H\), ta có

\(CC'=\sqrt{C'H^2+HC^2}\) \(=\sqrt{a^2+\left(\displaystyle\frac{a\sqrt{2}}{2}\right)^2}\) \(=\displaystyle\frac{a\sqrt{6}}{2}\).

Trong \((ABCD)\), vẽ \(HK\parallel AD\) (\(K\in CD\)). Suy ra \(HK\perp CD\).

Ta có \(\begin{cases}CD\perp HK\\CD\perp C'H\end{cases}\Rightarrow CD\perp C'K\), suy ra \(C'K\) là đường cao của mặt bên \(CDD'C'\).

Do \(HK\parallel AD\Rightarrow \displaystyle\frac{HK}{AD}=\displaystyle\frac{CH}{CA}=\displaystyle\frac{\displaystyle\frac{a\sqrt{2}}{2}}{2a}\) \(=\displaystyle\frac{1}{4}\Rightarrow HK=\displaystyle\frac{AD}{4}=\displaystyle\frac{2a}{4}=\displaystyle\frac{a}{2}\).

Trong tam giác \(C'HK\) vuông tại \(H\) ta có:

\(C'K=\sqrt{C'H^2+HK^2}\) \(=\sqrt{a^2+\left(\displaystyle\frac{a}{2}\right)^2}=\displaystyle\frac{a\sqrt{5}}{2}\).

Bài tập 6

Kim tự tháp bằng kính tại bảo tàng Louvre ở Paris có dạng hình chóp tứ giác đều với chiều cao là \(21{,}6\) m và cạnh đáy dài \(34\) m. Tính độ dài cạnh bên và diện tích xung quanh của kim tự tháp.

Đặt tên các đỉnh của hình chóp như hình vẽ bên.

Gọi \(M\) là trung điểm \(CD\). Do \(\triangle SCD\) cân tại \(S\) nên \(SM\perp CD\).

Gọi \(O\) là tâm của hình vuông \(ABCD\). Khi đó \(SO\perp (ABCD) \Rightarrow SO\perp OB\) và \(SO\perp OM\).

\(\triangle SOB\) vuông tại \(O\), suy ra

\(SB=\sqrt{SO^2+OB^2}\) \(=\sqrt{SO^2+\left(\displaystyle\frac{AB\sqrt{2}}{2}\right)^2}\) \(=\sqrt{SO^2+\displaystyle\frac{AB^2}{2}}\) \(=\sqrt{21{,}6^2+\displaystyle\frac{34^2}{2}}\approx 32{,}32\) (m)

Các mặt bên của hình chóp đều là các tam giác bằng nhau, nên diện tích xung quanh của kim tự tháp là

\begin{align*}S_{xq}=\ &4S_{\triangle SCD}=4\cdot \displaystyle\frac{1}{2}\cdot CD\cdot SM\\ =\ &2CD\cdot SM\\ =\ &2CD\cdot \sqrt{SO^2+OM^2}\\ =\ &2CD \sqrt{SO^2+\left(\displaystyle\frac{AD}{2}\right)^2}\\ =\ &CD \sqrt{4SO^2+AD^2}\\ =\ &34\sqrt{4\cdot 21{,}6^2+34^2}\approx 1\,869{,}15 \text{ (m\(^2\)).}\end{align*}

Bài tập sách Kết nối tri thức

Bài tập 1

Cho hình chóp \(S.ABC\) có \(SA\perp(ABC)\). Gọi \(H\) là hình chiếu của \(A\) trên \(BC\).

\(\bullet\,\) Chứng minh rằng \((ASB) \perp(ABC)\) và \((SAH) \perp(SBC)\).

\(\bullet\,\) Giả sử tam giác \(ABC\) vuông tại \(A\), \(\widehat{ABC}=30^\circ\), \(AC=a\), \(SA=\displaystyle\frac{a\sqrt{3}}{2}\). Tính số đo của góc nhị diện \([S,BC,A]\).

\(\bullet\,\) Vì \(SA\perp(ABC)\) và \(SA\subset (ASB)\) nên \((ASB) \perp(ABC)\).

Ta có \(\begin{cases} BC\perp AH\\ BC\perp SA \ (\text{do } SA\perp (ABC)\end{cases}\Rightarrow BC\perp (SAH))\).

Lại có \(BC\subset (SBC)\) nên \((SAH) \perp(SBC)\).

\(\bullet\,\) Theo chứng minh trên, \(BC\perp (SAH))\Rightarrow BC\perp SH\).

Kết hợp với \(BC\perp AH\), ta có góc \(\widehat{SHA}\) là một góc phẳng của góc nhị diện \([S,BC,A]\).

Vì tam giác \(ABC\) vuông tại \(A\) và \(\widehat{ABC}=30^\circ\) nên \(\widehat{ACB}=60^\circ\).

Ta có \(AH=AC\cdot \sin\widehat{ACB}=a\cdot\sin 60^\circ=\displaystyle\frac{a\sqrt{3}}{2}\).

Tam giác \(SAH\) vuông tại \(A\) có \(\tan\widehat{SHA}=\displaystyle\frac{SA}{AH}=\displaystyle\frac{\displaystyle\frac{a\sqrt{3}}{2}}{\displaystyle\frac{a\sqrt{3}}{2}}=1\Rightarrow\widehat{SHA}=45^\circ\).

Vậy số đo của góc nhị diện \([S,BC,A]\) là \(45^\circ\).

Bài tập 2

Cho hình lập phương \(ABCD.A'B'C'D'\) có cạnh bằng \(a\).

\(\bullet\,\) Tính độ dài đường chéo của hình lập phương.

\(\bullet\,\) Chứng minh rằng \((ACC'A') \perp(BDD'B')\).

\(\bullet\,\) Gọi \(O\) là tâm của hình vuông \(ABCD\). Chứng minh rằng \(\widehat{COC'}\) là một góc phẳng của góc nhị diện \([C,BD, C']\). Tính (gần đúng) số đo của các góc nhị diện \([C,BD,C]\), \([A,BD,C']\).

\(\bullet\,\) Độ dài đường chéo \(AC'\)

\begin{eqnarray*}AC'=\sqrt{AC^2+AA'^2}\\=\sqrt{AB^2+AD^2+AA'^2}\\=\sqrt{a^2+a^2+a^2}\\=a\sqrt{3}.\end{eqnarray*}

\(\bullet\,\) Ta có \(\begin{cases}AC\perp BD (\text{do } ABCD \text{ là hình vuông}) \\ AC\perp BB' (\text{tính chất của hình lập phương})\end{cases}\) nên \(AC\perp (BDD'B')\).

Suy ra \((ACC'A') \perp(BDD'B')\).

\(\bullet\,\) Ta có \(\begin{cases} BD\perp AC\\ BD\perp CC'\end{cases}\Rightarrow BD\perp (ACC'A')\Rightarrow BD\perp C'O\).

Vì \(\begin{cases} BD\perp CO\\ BD\perp C'O\end{cases}\) nên \(\widehat{COC'}\) là một góc phẳng của góc nhị diện \([C,BD, C']\).

Tam giác \(COC'\) vuông tại \(C\) có \(CC'=a\) và \(OC=\displaystyle\frac{AC}{2}=\displaystyle\frac{a\sqrt{2}}{2}\) nên

\(\tan\widehat{COC'}=\displaystyle\frac{CC'}{CO}=\displaystyle\frac{a}{\displaystyle\frac{a\sqrt{2}}{2}}=\sqrt{2}\Rightarrow \widehat{COC'}\approx 54{,}7^\circ.\)

Ta thấy \(\widehat{AOC'}\) là một góc phẳng của góc nhị diện \([A,BD, C']\) và

\(\widehat{AOC'}=180^\circ-\widehat{COC'}\approx 180^\circ-54{,}7^\circ=125{,}3^\circ.\)

Vậy số đo các góc nhị diện \([C,BD,C]\) và \([A,BD,C']\) tương ứng là \(54{,}7^\circ\) và \(125{,}3^\circ\).

Bài tập 3

Cho hình hộp chữ nhật \(ABCD.A'B'C'D'\).

\(\bullet\,\) Chứng minh rằng \((BDD'B') \perp(ABCD)\).

\(\bullet\,\) Xác định hình chiếu của \(AC'\) trên mặt phẳng \((ABCD)\).

\(\bullet\,\) Cho \(AB=a\), \(BC=b\), \(CC'=c\). Tính \(AC'\).

\(\bullet\,\) Ta có \(BB'\perp (ABCD)\) nên \((BDD'B') \perp(ABCD)\).

\(\bullet\,\) Vì \(C'C\perp(ABCD)\) nên \(C\) là hình chiếu của \(C'\) trên \((ABCD)\). Vậy \(AC\) là là hình chiếu của \(AC'\) trên \((ABCD)\).

\(\bullet\,\) Ta có

\begin{eqnarray*}AC'=\sqrt{AC^2+CC'^2}\\=\sqrt{AB^2+BC^2+CC'^2}\\=\sqrt{a^2+b^2+c^2}.\end{eqnarray*}

Bài tập 4

Cho hình chóp đều \(S.ABC\), đáy có cạnh bằng \(a\), cạnh bên bằng \(b\).

\(\bullet\,\) Tính sin của góc tạo bởi cạnh bên và mặt đáy.

\(\bullet\,\) Tính tang của góc giữa mặt phẳng chứa mặt đáy và mặt phẳng chứa mặt bên.

\(\bullet\,\) Vì \(S.ABC\) là hình chóp đều nên hình chiếu của \(S\) là trực tâm \(H\) của tam giác đều \(ABC\).

Do đó, hình chiếu của \(SA\) trên mặt phẳng \((ABC)\) là \(HA\).

Vậy góc tạo bởi cạnh bên và mặt đáy là \(\widehat{SAH}\).

Gọi \(M\) là trung điểm của \(BC\), ta có \(AM=\displaystyle\frac{a\sqrt{3}}{2}\) (chiều cao của tam giác đều).

Vì \(H\) là trực tâm của tam giác đều \(ABC\) nên

\(AH=\displaystyle\frac{2}{3}AM=\displaystyle\frac{2}{3}\cdot\displaystyle\frac{a\sqrt{3}}{2}=\displaystyle\frac{a\sqrt{3}}{3}.\)

Tam giác \(SHA\) vuông tại \(H\) có

\(SH=\sqrt{SA^2-AH^2}\) \(=\sqrt{b^2-\left(\displaystyle\frac{a\sqrt{3}}{3}\right)^2}\) \(=\sqrt{b^2-\displaystyle\frac{a^2}{3}}\) (điều kiện: \(b>\displaystyle\frac{a}{\sqrt{3}}\)).

Do đó \(\sin\widehat{SAH}=\displaystyle\frac{SH}{SA}=\displaystyle\frac{\sqrt{b^2-\displaystyle\frac{a^2}{3}}}{b}=\sqrt{1-\displaystyle\frac{a^2}{3b^2}}\).

\(\bullet\,\) Ta có \(\begin{cases} BC\perp AM\\ BC\perp SH\end{cases}\Rightarrow BC\perp (SAM)\Rightarrow BC\perp SM\).

Ta có

\(\begin{cases} (SBC)\cap(ABC)=BC\\ SM\subset (SBC), SM\perp BC\\ AM\subset (ABC), AM\perp BC\end{cases}\) nên góc giữa hai mặt phẳng \((SBC)\) và \((ABC)\) chính là góc giữa hai đường thẳng \(SM\) và \(AM\), chính là góc \(\widehat{SMA}\).

Ta có \(HM=\displaystyle\frac{AM}{3}=\displaystyle\frac{\displaystyle\frac{a\sqrt{3}}{2}}{3}=\displaystyle\frac{a\sqrt{3}}{6}\).

Suy ra \(\tan\widehat{SMA}=\displaystyle\frac{SH}{HM}=\displaystyle\frac{\sqrt{b^2-\displaystyle\frac{a^2}{3}}}{\displaystyle\frac{a\sqrt{3}}{6}}=2\sqrt{\displaystyle\frac{3b^2}{a^2}-1}\).

Bài tập 5

Hai mái nhà trong hình bên là hai hình chữ nhật (\(AOPD\) và \(BOPC\)). Giả sử \(AB=4{,}8\mathrm{~m}\), \(OA=2{,}8 \mathrm{~m}\), \(OB=4\mathrm{~m}\).

\(\bullet\,\) Tính (gần đúng) số đo của góc nhị diện tạo bởi hai nửa mặt phẳng tương ứng chứa hai mái nhà.

\(\bullet\,\) Chứng minh rằng mặt phẳng \((OAB)\) vuông góc với mặt đất phẳng. Lưu ý: Đường giao giữa hai mái (đường nóc) song song với mặt đất.

\(\bullet\,\) Điểm \(A\) ở độ cao (so với mặt đất) hơn điểm \(B\) là \(0{,}5 \mathrm{~m}\). Tính (gần đúng) góc giữa mái nhà (chứa \(OB\)) so với mặt đất.

\(\bullet\,\) Ta có \(\begin{cases} AO\perp PO \\ BO\perp PO\end{cases}\) nên \(\widehat{AOB}\) là một góc phẳng của góc nhị diện \([A,PO,B]\).

Theo định lí cos, ta có

\(\cos\widehat{AOB}=\displaystyle\frac{OA^2+OB^2-AB^2}{2\cdot OA\cdot OB}=\displaystyle\frac{2{,}8^2+4^2-4{,}8^2}{2\cdot 2{,}8\cdot 4}=\displaystyle\frac{1}{28}.\)

Suy ra \(\widehat{AOB}\approx 88^\circ\).

\(\bullet\,\) Theo chứng minh trên, ta có \(PO\perp (OAB)\).

Mà \(PO\) song với mặt đất nên \((OAB)\) vuông góc với mặt đất phẳng.

\(\bullet\,\) Gọi \(H\) là giao điểm của phương thẳng đứng đi qua \(A\) và phương ngang đi qua \(B\).

Theo giả thiết, \(AH=0{,}5\) m.

Góc giữa mái nhà chứa \(OB\) so với mặt đất chính là góc \(\widehat{OBH}\).

Ta có \(\sin\widehat{ABH}=\displaystyle\frac{AH}{AB}=\displaystyle\frac{0{,}5}{4{,}8}=\displaystyle\frac{5}{48}\).

Suy ra \(\widehat{ABH}\approx 5{,}98^\circ\).

Theo định lí cos, ta có

\(\cos\widehat{OBA}=\displaystyle\frac{OB^2+AB^2-OA^2}{2\cdot OB\cdot AB}\) \(=\displaystyle\frac{4^2+4{,}8^2-2{,}8^2}{2\cdot 4\cdot 4{,}8}=\displaystyle\frac{13}{16}.\)

Suy ra \(\widehat{OBA}\approx 35{,}66^\circ\).

Vậy \(\widehat{OBH}=\widehat{OBA}+\widehat{ABH}\approx 35{,}66^\circ+5{,}98^\circ=41{,}64^\circ\).

Bài tập 6

Độ dốc của mái nhà, mặt sân, con đường thẳng là tang của góc tạo bởi mái nhà mặt sân, con đường thẳng đó với mặt phẳng nằm ngang. Độ dốc của đường thẳng dành cho người khuyết tật được quy định là không quá \(\displaystyle\frac{1}{12}\). Hỏi theo đó, góc tạo bởi đường dành cho người khuyết tật và mặt phẳng nằm ngang không vượt quá bao nhiêu độ? (Làm tròn kết quả đến chữ số thập phân thứ hai).

Gọi \(\alpha\) là góc tạo bởi mái nhà mặt sân, con đường thẳng với mặt phẳng nằm ngang.

Theo giả thiết, \(\tan\alpha\leq\displaystyle\frac{1}{12}\Rightarrow \alpha\leq 4{,}76^\circ\).

Bài tập sách Cánh diều

Bài tập 1

Cho hình chóp \(S . A B C D\) có đáy \(A B C D\) là hình chữ nhật, mặt phẳng \((S A B)\) vuông góc với mặt đáy, tam giác \(S A B\) vuông cân tại \(S\). Gọi \(M\) là trung điểm của \(A B\). Chứng minh rằng:

\(\bullet\,\) \(S M \perp(A B C D)\);

\(\bullet\,\) \(A D \perp(S A B)\);

\(\bullet\,\) \((S A D) \perp(S B C)\).

\(\bullet\,\) Ta có \(\triangle SAB\) vuông cân tại \(S\) có đường trung tuyến \(SM\) nên \(SM\perp AB\) và \((SAB)\perp (ABCD)\), suy ra \(S M \perp(A B C D)\).

\(\bullet\,\) Vì \(S M \perp(A B C D)\) nên \(SM\perp AD\).

Mặt khác \(AD\perp AB\). Do đó \(A D \perp(S A B)\).

\(\bullet\,\) Từ \(A D \perp(S A B)\) suy ra \(SB\perp AD\).

Mặt khác \(\triangle SAB\) vuông cân tại \(S\) nên \(SB\perp SA\). Khi đó \(SB\perp (SAD)\).

Suy ra \((SAB)\perp (SBC)\).

Bài tập 2

Cho lăng trụ \(A B C \cdot A' B' C'\) có tất cả các cạnh cùng bằng \(a\), hai mặt phẳng \(\left(A' A B\right)\) và \(\left(A' A C\right)\) cùng vuông góc với \((A B C)\).

\(\bullet\,\) Chứng minh rằng \(A A' \perp(A B C)\).

\(\bullet\,\) Tính số đo góc giữa đường thẳng \(A' B\) và mặt phẳng \((A B C)\).

\(\bullet\,\) Ta có \((A'AB)\cap (A'AC)=A'A\) và hai mặt phẳng \(\left(A' A B\right)\) và \(\left(A' A C\right)\) cùng vuông góc với \((A B C)\) nên \(A A' \perp(A B C)\).

\(\bullet\,\) Ta có \(A A' \perp(A B C)\) nên suy ra \(AB\) là hình chiếu vuông góc của \(A'B\) lên mặt phẳng \((ABC)\).

Khi đó góc giữa đường thẳng \(A' B\) và mặt phẳng \((A B C)\) là \(\widehat{A'BA}\).

Theo giả thiết lăng trụ \(A B C \cdot A' B' C'\) có tất cả các cạnh cùng bằng \(a\) và \(AA'\perp AB\) nên \(A'ABB'\) là hình vuông suy ra \(\widehat{A'BA}=45^\circ\).

Vậy số đo góc giữa đường thẳng \(A' B\) và mặt phẳng \((A B C)\) là \(45^\circ\).