Bài 1. ĐIỂM, ĐƯỜNG THẲNG VÀ MẶT PHẲNG TRONG KHÔNG GIAN

1. Mặt phẳng trong không gian

Điểm thuộc mặt phẳng

\(\)Cho hai điểm \(A, B\) và mặt phẳng \((P)\).

+ Nếu điểm \(A\) thuộc mặt phẳng \((P)\) thì ta nói \(A\) nằm trên \((P)\) hay \((P)\) chứa \(A\), hay \((P)\) đi qua \(A\) và kí hiệu là \(A \in(P)\).

+ Nếu điểm \(B\) không thuộc mặt phẳng \((P)\) thì ta nói \(B\) nằm ngoài \((P)\) hay \((P)\) không chứa \(B\) và kí hiệu là \(B \notin(P)\).

Biểu diễn các hình trong không gian lên một mặt phẳng

\(\)Để biểu diễn một hình trong không gian lên một mặt phẳng (tờ giấy, mặt bảng, \(\ldots\) ), ta thường dựa vào các quy tắc sau:

+ Hình biểu diễn của đường thẳng là đường thẳng, của đoạn thẳng là đoạn thẳng.

+ Giữ nguyên tính liên thuộc (thuộc hay không thuộc) giữa điểm với đường thẳng hoặc với đoạn thẳng.

+ Giữ nguyên tính song song, tính cắt nhau giữa các đường thẳng.

+ Biểu diễn đường nhìn thấy bằng nét vẽ liền và biểu diễn đường bị che khuất bằng nét vẽ đứt đoạn.

2. Các tính chất thừa nhận của hình học không gian

Tính chất 1.

Có một và chỉ một đường thẳng đi qua hai điểm phân biệt cho trước.

Đường thẳng đi qua hai điểm phân biệt \(A, B\) được kí hiệu là \(A B\). Ta cũng nói đường thẳng \(A B\) xác định bởi hai điểm \(A, B\).

Ví dụ 1. Cho ba điểm phân biệt \(M\), \(N\), \(P\) không thẳng hàng. Có bao nhiêu đường thẳng đi qua hai trong ba điểm đã cho?

Do qua hai điểm phân biệt chỉ có một đường thẳng nên qua ba điểm phân biệt không thẳng hàng \(M\), \(N\), \(P\), ta xác định được ba đường thẳng là \(MN\), \(NP\) và \(PM\).

Tính chất 2.

Có một và chỉ một mặt phẳng đi qua ba điểm không thẳng hàng cho trước.

Chú ý. Mặt phẳng đi qua ba điểm \(A\), \(B\), \(C\) không thẳng hàng được kí hiệu là mặt phẳng \((ABC)\).

Ví dụ 2. Cho đường thẳng \(a\) đi qua hai điểm phân biệt \(M\), \(N\) và điểm \(O\) không thuộc \(a\). Có bao nhiêu mặt phẳng đi qua ba điểm \(M\), \(N\), \(O\)?

Do \(O\) không thuộc \(a\) nên ba điểm \(M\), \(N\), \(O\) không thẳng hàng. Do đó chỉ có một mặt phẳng đi qua ba điểm \(M\), \(N\), \(O\).

Tính chất 3.

Nếu một đường thẳng có hai điểm phân biệt thuộc một mặt phẳng thì mọi điểm của đường thẳng đều thuộc mặt phẳng đó.

Chú ý. Đường thẳng \(d\) nằm trong mặt phẳng \((P)\) thường được kí hiệu là \(d \subset (P)\) hoặc \((P) \supset d\).

Ví dụ 3. Cho ba điểm \(A, B, C\) không thẳng hàng và một điểm \(M\) nằm trên đường thẳng \(BC\). Gọi \((P)\) là mặt phẳng đi qua ba điểm \(A, B, C\). Chứng tỏ rằng \(M \in(P)\).

+ Áp dụng tính chất 2, ta có \((P)\) là mặt phẳng duy nhất đi qua ba điểm \(A, B, C\).

+ Áp dụng tính chất 3, ta có mọi điểm của đường thẳng \(BC\) đều thuộc mặt phằng \((P)\).

+ Ta lại có \(M\in BC\) (giả thiết). Suy ra \(M \in(P)\).

Tính chất 4.

Tồn tại bốn điểm không cùng nằm trên một mặt phẳng.

Chú ý. Nếu có nhiều điểm cùng thuộc một mặt phẳng thì ta nói những điểm đó đồng phằng, còn nếu không có mặt phẳng nào chứa các điểm đó thì ta nói chúng không đồng phẳng.

Ví dụ 4. Cho bốn điểm \(A\), \(B\), \(C\), \(D\) không cùng nằm trên một mặt phẳng. Có bao nhiêu mặt phẳng đi qua ba trong bốn điểm đã cho?

Gọi \(A\), \(B\), \(C\), \(D\) là bốn điểm không cùng nằm trên một mặt phẳng trong không gian (tồn tại theo tính chất 4). Ta xác định được bốn mặt phẳng phân biệt là: \((ABC)\), \((ABD)\), \((ACD)\), \((BCD)\).

Tính chất 5.

Nếu hai mặt phẳng phân biệt có một điểm chung thì chúng có một đường thẳng chung duy nhất chứa tất cả các điểm chung của hai mặt phẳng đó.

Chú ý. Đường thẳng \(d\) chung của hai mặt phẳng \((P)\) và \((Q)\) được gọi là giao tuyến của \((P)\) và \((Q)\), kí hiệu \(d=(P) \cap(Q)\).

Ví dụ 5. Cho tam giác \(ABC\) và một điểm \(O\) không thuộc mặt phẳng \((ABC)\). Xác định giao tuyến của hai mặt phẳng \((OAB)\) và \((ABC)\).

Ta có \(A, B\) là hai điểm chung của hai mặt phẳng \((OAB)\) và \((ABC)\). Suy ra \(AB\) là giao tuyến của hai mặt phẳng \((OAB)\) và \((ABC)\).

Tính chất 6.

Trong mỗi mặt phẳng, các kết quả đã biết của hình học phẳng đều đúng.

Ví dụ 6. Cho bốn điểm \(A, B, C, D\) không cùng nằm trên một mặt phẳng.

a. Gọi \(O\) là trung điểm của \(CD\), \(G\) và \(G'\) lần lượt là trọng tâm của tam giác \(ACD\) và \(BCD\). Chứng minh \(GG' \parallel AB\).

b. Cho điểm \(E\) trên \(A B\) sao cho \(E G\) cắt mặt phẳng đi qua ba điểm \(B, C, D\) tại \(F\). Chứng minh bốn điểm \(B, G', O, F\) thẳng hàng.

a. Gọi \((P)\) là mặt phẳng đi qua ba điểm \(O\), \(A\), \(B\) được xác định theo tính chất 2. Trong mặt phẳng \((P)\) ta có:

\(\quad\)\(\displaystyle\frac{OG}{OA}=\displaystyle\frac{1}{3}\) (vì \(G\) là trọng tâm của tam giác \(ACD\));

\(\quad\)\(\displaystyle\frac{OG'}{OB}=\displaystyle\frac{1}{3}\) (vì \(G'\) là trọng tâm của tam giác \(BCD\) ).

Suy ra \(\displaystyle\frac{OG}{OA}=\displaystyle\frac{OG}{OR}\). Áp dụng tính chất 6, suy ra \(GG'\parallel AB\).

b. Gọi \((Q)\) là mặt phẳng đi qua ba điểm \(B, C, D\). Các điểm \(B, G', O, F\) là điểm chung của hai mặt phằng phân biệt \((P)\) và \((Q)\).

\(\quad\)Theo tính chất 5, chúng phải cùng nằm trên giao tuyến của \((P)\) và \((Q)\). Vậy \(B, G', O, F\) thẳng hàng.

3. Cách xác định mặt phẳng

Một mặt phẳng được xác định nếu biết nó chứa ba điểm không thẳng hàng.

Mặt phẳng xác định bởi ba điểm \(A, B, C\) không thẳng hàng kí hiệu là mp \((ABC)\) hay \((ABC)\).

Ví dụ 1. Cho ba điểm \(A, B, C\) không thẳng hàng và không nằm trong mặt phẳng \((P)\). Biết ba đường thẳng \(AB, AC\), \(B C\) lần lượt cắt \((P)\) tại các điểm \(M, N, E\). Ba điểm \(M, N, E\) có thẳng hàng không? Giải thích.

Gọi \((Q)\) là mặt phẳng xác định bởi ba điểm \(A, B, C\).

Ta có \(M \in AB\) và \(AB \subset(Q)\), suy ra \(M \in(Q)\).

Mặt khác, \(M \in(P)\). Vậy \(M \in(P) \cap(Q)\).

Tương tự, ta cũng có \(N \in(P) \cap(Q)\) và \(E \in(P) \cap(Q)\).

Suy ra ba điểm \(M, N, E\) thẳng hàng vì cùng nằm trên đường thẳng giao tuyến của hai mặt phẳng \((P)\) và \((Q)\).

Một mặt phẳng được xác định nếu biết nó chứa một đường thẳng và một điểm không thuộc đường thẳng đó.

Mặt phẳng xác định bởi điểm \(A\) và đường thẳng \(a\) không qua điểm \(A\) kí hiệu là mp\((A, a)\) hay \((A, a)\).

Ví dụ 2. Với đường thẳng \(d\) và hai điểm \(M, N\) phân biệt không thuộc \(d\), ta xác định được bao nhiêu mặt phẳng?

Với đường thẳng \(d\) và điểm \(M\) không thuộc \(d\), ta xác định được mặt phẳng thứ nhất là \((M, d)\). Nếu điểm \(N\) thuộc \((M, d)\) thì ta chỉ xác định được một mặt phẳng. Nếu điểm \(N\) không thuộc \((M, d)\) thì ta xác định được mặt phẳng thứ hai là \((N, d)\).

Một mặt phẳng được xác định nếu biết nó chứa hai đường thẳng cắt nhau.

Mặt phẳng xác định bởi điểm hai đường thẳng \(a, b\) cắt nhau kí hiệu là mp\((a, b)\).

Ví dụ 3. Với ba đường thẳng \(a, b, c\) không cùng nằm trong một mặt phẳng và cùng đi qua một điểm \(O\), ta xác định được bao nhiêu mặt phẳng?

Từ ba cặp đường thẳng cắt nhau \(a\) và \(b\), \(b\) và \(c\), \(c\) và \(a\), ta xác định được ba mặt phẳng là mp\((a, b)\), mp\((b, c)\), mp\((c, a)\).

4. Hình chóp và hình tứ diện

Hình chóp

+ Cho đa giác lồi \(A_1A_2\ldots A_n\) nằm trong mặt phẳng \((\alpha)\) và điểm \(S\) không thuộc \((\alpha)\). Nối \(S\) với các đỉnh \(A_1, A_2,\ldots, A_n\) ta được \(n\) tam giác \(SA_1A_2, SA_2A_3, \ldots, SA_nA_1\). Hình tạo bởi \(n\) tam giác đó và đa giác \(A_1A_2\ldots A_n\) được gọi là hình chóp, kí hiệu \(S.A_1A_2\ldots A_n\).

Trong hình chóp \(S.A_1A_2\ldots A_n\), ta gọi:

\(\bullet\ \) Điểm \(S\) là đỉnh;

\(\bullet\ \) Các tam giác \(SA_1A_2\), \(SA_2A_3\), \(\ldots\), \(SA_nA_1\) là các mặt bên;

\(\bullet\ \) Đa giác \(A_1A_2\ldots A_n\) là mặt đáy;

\(\bullet\ \) Các đoạn thẳng \(SA_1, SA_2, \ldots, SA_n\) là các cạnh bên;

\(\bullet\ \) Các cạnh của đa giác \(A_1A_2\ldots A_n\) là các cạnh đáy.

+ Ta gọi hình chóp có đáy tam giác, tứ giác, ngũ giác, \(\ldots\) lần lượt là hình chóp tam giác, hình chóp tứ giác, hình chóp ngũ giác, \(\ldots\)

Ví dụ 1. Cho hình chóp \(S.ABCD\). Gọi tên các mặt bên, mặt đáy, cạnh bên, cạnh đáy của hình chóp \(S.ABCD\).

Hình chóp \(S.ABCD\) có:

+ Các mặt bên: \(SAB, SBC, SCD, SDA\);

+ Mặt đáy \(ABCD\);

+ Các cạnh bên: \(SA, SB, SC, SD\);

+ Các cạnh đáy: \(AB, BC, CD, DA\).

Hình tứ diện

Cho bốn điểm \(A, B, C, D\) không đồng phẳng. Hình tạo bởi bốn tam giác \(ABC, ACD, ADB\) và \(BCD\) được gọi là hình tứ diện (hay tứ diện), kí hiệu \(ABCD\).

Trong tứ diện \(ABCD\), ta gọi:

+ Các điểm \(A, B, C, D\) là các đỉnh.

+ Các đoạn thẳng \(AB, AC, AD, BC, CD, BD\) là các cạnh của tứ diện.

+ Hai cạnh không đi qua một đỉnh là hai cạnh đối diện.

+ Các tam giác \(ABC, ACD, ADB, BCD\) là các mặt của tứ diện.

+ Đỉnh không thuộc một mặt của tứ diện là đỉnh đối diện với mặt đó.

Ví dụ 2. Gọi tên các mặt, các cặp cạnh đối diện của tứ diện \(MNPQ\).

Tứ diện \(MNPQ\) có:

+ Các mặt: \(MNP, MPQ, MQN, NPQ\).

+ Các cặp cạnh đối diện: \(MN\) và \(PQ\), \(MP\) và \(NQ\), \(MQ\) và \(NP\).

Chú ý.

+ Hình tứ diện có bốn mặt là các tam giác đều được gọi là hình tứ diện đều.

+ Một tứ diện có thể xem như là một hình chóp tam giác với đỉnh là một đỉnh tuỳ ý của tứ diện và đáy là mặt của tứ diện không chứa đỉnh đó.

Ví dụ 3. Cho tứ diện \(SABC\). Gọi \(M\) và \(N\) lần lượt là hai điểm trên hai cạnh \(AB\) và \(BC\) sao cho \(MN\) không song song với \(AC\).

a. Tìm giao điểm của đường thẳng \(MN\) và mặt phẳng \((SAC)\).

b. Tìm giao tuyến của các mặt phẳng \((SMN)\) và \((SAC)\); \((SAN)\) và \((SCM)\).

a. Trong mặt phẳng \((ABC)\), vẽ giao điểm \(E\) của \(MN\) và \(AC\).

+ Ta có \(E \in AC\), suy ra \(E \in(SAC)\).

+ Vậy \(E\) là giao điểm của đường thẳng \(M N\) và mặt phẳng \((SAC)\).

b. Ta có \(S\) và \(E\) là hai điểm chung của hai mặt phẳng \((SMN)\) và \((SAC)\), suy ra \((SMN) \cap(SAC)=SE\).

+ Trong mặt phẳng \((ABC)\), vẽ giao điểm \(F\) của \(AN\) và \(MC\).

+ Ta có \(S\) và \(F\) là hai điểm chung của hai mặt phẳng \((SAN)\) và \((SCM)\), suy ra \((SAN) \cap(SCM)=SF\).

BÀI TẬP

Bài tập 1. Cho hình chóp \(S.ABCD\), gọi \(O\) là giao điểm của \(AC\) và \(BD\). Lấy \(M, N\) lần lượt thuộc các cạnh \(SA, SC\).

a. Chứng minh đường thẳng \(MN\) nằm trong mặt phẳng \((SAC)\).

b. Chứng minh \(O\) là điểm chung của hai mặt phẳng \((SAC)\) và \((SBD)\).

a. Ta có

+ \(M\in SA\subset (SAC)\Rightarrow M\in (SAC)\). (1)

+ \(N\in SC\subset (SAC)\Rightarrow N\in (SAC)\). (2)

Từ (1) và (2) suy ra \(MN\subset (SAC)\).

b. Ta có \(\begin{cases} O\in AC \subset (SAC)\\ O\in BD \subset (SBD)\end{cases}\) \(\Rightarrow O\in (SAC)\cap (SBD)\).

Bài tập 2. Cho hình chóp \(S.ABCD\) có đáy là hình bình hành. Gọi \(M\) là trung điểm của \(SC\).

a. Tìm giao điểm \(I\) của đường thẳng \(AM\) và mặt phẳng \((SBD)\). Chứng minh \(IA=2IM\).

b. Tìm giao điểm \(E\) của đường thẳng \(SD\) và mặt phẳng \((ABM)\).

c. Gọi \(N\) là một điểm tuỳ ý trên cạnh \(AB\). Tìm giao điểm của đường thẳng \(MN\) và mặt phẳng \((SBD)\).

a. Trong \((SAC)\colon AM \cap SO=I\).

Ta có \(\begin{cases} I\in AM\\ I\in SO \subset (SBD)\end{cases}\) \(\Rightarrow I=AM\cap (SBD)\).

Tam giác \(SAC\) có hai đường trung tuyến \(AM\) và \(SO\) cắt nhau tại \(I\), suy ra \(I\) là trọng tâm của tam giác \(SAC\). Từ đó ta có \(IA=2IM\) (đpcm).

b. Trong \((SBD)\colon BI\cap SD=E\).

Ta có \(\begin{cases} E\in SD\\ E\in BI \subset (ABM)\end{cases}\) \(\Rightarrow E=SD\cap (ABM)\).

c. Trong \((ABCD)\colon CN\cap BD=F\).

Trong \((SNC)\colon SF\cap MN=J\).

Ta có \(\begin{cases} J\in MN\\ I\in SF\subset (SBD)\end{cases}\) \(\Rightarrow J=MN\cap (SBD)\).

Bài tập 3. Cho hình chóp \(S.ABCD\) có đáy là hình bình hành. Gọi \(O\) là giao điểm của \(AC\) và \(BD\); \(M, N\) lần lượt là trung điểm của \(SB, SD\); \(P\) thuộc đọan \(SC\) và không là trung điểm của \(SC\).

a. Tìm giao điểm \(E\) của đường thẳng \(SO\) và mặt phẳng \((MNP)\).

b. Tìm giao điểm \(Q\) của đường thẳng \(SA\) và mặt phẳng \((MNP)\).

c. Gọi \(I, J, K\) lần lượt là giao điểm của \(QM\) và \(AB, QP\) và \(AC, QN\) và \(AD\). Chứng minh \(I, J, K\) thẳng hàng.

a. Trong \((SBD)\colon SO\cap MN=E\).

Ta có \(\begin{cases} E\in SO\\ E\in MN\subset (MNP)\end{cases}\) \(\Rightarrow E=SO\cap (MNP)\).

b. Trong \((SAC)\colon PE\cap SA=Q\).

Ta có \(\begin{cases} Q\in SA\\ Q\in PE\subset (MNP)\end{cases}\) \(\Rightarrow Q=SA\cap (MNP)\).

c. Từ giả thiết ta có

+ \(\begin{cases} I\in QM \subset (MNP)\\ J\in QP\subset (MNP)\\ K\in QN \subset (MNP)\end{cases}\) \(\Rightarrow I, J, K\in (MNP)\). (1)

+ Mặt khác, \(\begin{cases} I\in AB \subset (ABCD)\\ J\in (AC)\subset (ABCD)\\ K\in AD \subset (ABCD)\end{cases}\) \(\Rightarrow I, J, K\in (ABCD)\). (2)

Từ (1) và (2) suy ra \(I, J, K \in (MNP)\cap (ABCD)\). Suy ra \(I, J, K\) thẳng hàng.

Bài tập 4. Cho tứ diện \(ABCD\). Gọi \(E, F, G\) lần lượt là ba điểm trên ba cạnh \(AB, AC, BD\) sao cho \(EF\) cắt \(BC\) tại \(I\) (\(I \neq C\)), \(EG\) cắt \(AD\) tại \(H\) (\(H \neq D)\).

a. Tìm giao tuyến của các mặt phẳng \((EFG)\) và \((BCD)\); \((EFG)\) và \((ACD)\).

b. Chứng minh ba đường thẳng \(CD, IG, HF\) cùng đi qua một điểm.

a. Ta có

+ \(\begin{cases} G\in (EFG)\\ G\in BD\subset (BCD)\end{cases}\) \(\Rightarrow G\in (EFG)\cap (BCD)\). (1)

+ Mặt khác, \(\begin{cases} I\in EF \subset (EFG)\\ I\in BC\subset (BCD)\end{cases}\) \(\Rightarrow I\in (EFG)\cap (BCD)\). (2)

Từ (1) và (2) suy ra \(GI=(EFG)\cap (BCD)\).

Trong \((BCD)\colon GI\cap CD=K\).

+ Ta có \(\begin{cases} F\in (EFG)\\ F\in AC\subset (ACD)\end{cases}\) \(\Rightarrow F\in (EFG)\cap (ACD)\). (3)

+ Mặt khác, \(\begin{cases} K\in GI\subset (EFG)\\ K\in CD\subset (ACD)\end{cases}\) \(\Rightarrow K\in (EFG)\cap (ACD)\). (4)

Từ (3) và (4) suy ra \(FK=(EFG)\cap (ACD)\).

b. Vì \(IG\) và \(CD\) cắt nhau tại \(K\) nên để chứng minh \(CD, IG, HF\) cùng đi qua một điểm, ta chứng minh \(H, K, F\) thẳng hàng. Thật vậy:

+ Ta có \(\begin{cases} H\in EG\subset (EFG)\\ K\in GI\subset (EFG)\\ F\in (EFG)\end{cases}\) \(\Rightarrow H, K, F\in (EFG)\). (5)

+ Mặt khác, \(\begin{cases} H\in AD\subset (ACD)\\ K\in CD\subset (ACD)\\ F\in AC\subset (ACD)\end{cases}\) \(\Rightarrow H, K, F\in (ACD)\). (6)

Từ (5) và (6) suy ra \(H, K, F\in (ACD)\cap (EFG)\), do đó \(H, K, F\) thẳng hàng.

Vậy ba đường thẳng \(CD, IG, HF\) cùng đi qua một điểm.

Ví dụ 5. Thước laser phát ra tia laser, khi tia này quay sẽ tạo ra mặt phẳng ánh sáng. Giải thích tại sao các thước kẻ laser lại giúp người thợ xây dựng kẻ được đường thẳng trên tường hoặc sàn nhà.

+ Thước laser phát ra tia laser; khi quay, các tia laser chung gốc tạo thành một mặt phẳng ánh sáng

+ Khi cắt mặt phẳng ánh sáng này bởi mặt tường hoặc sàn nhà thì phần thu được trên tường hoặc sàn là giao tuyến của mặt phẳng ánh sáng và mặt tường hay sàn nhà. Đó là giao tuyến của hai mặt phẳng nên là một đường thẳng.